Lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60 vào năm 2035?

Sáng nay, 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trình bày báo cáo Một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (UBVCVĐXH) Nguyễn Thúy Anh cho biết, về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. 

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau. 

Về vấn đề này, Thường trực UBVCVĐXH cho hay, về nguyên tắc, Ủy ban tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. 

Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các vị đại biểu QH, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau. 

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp QH.

Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, UBVCVĐXH trình UBTVQH 2 phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về Tuổi nghỉ hưu để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Trong đó, phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình. Theo phương án này, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. 

Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Phương án 2 là phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi. Phương án này quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. 

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

“UBVCVĐXH thấy rằng, cả hai phương án đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW quy định rõ tuổi nghỉ hưu phải hướng tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Cụ thể, Phương án 1 bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng. 

Tuy nhiên, phương án này chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, phương án 2 đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong Luật về lộ trình cho từng năm để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành. 

Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là, trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền... ở doanh nghiệp).

“Đa số trong Thường trực UBVCVĐXH tán thành phương án 1”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh thông tin.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nhất trí với phương án Chính phủ trình vì phương án này có lộ trình thận trọng và biết được thời gian kết thúc.

Theo đại biểu, lộ trình này rất tịnh tiến, nam 3 tháng, nữ 4 tháng; không gây xáo động, tác động gì lớn, tăng từ từ đến mấy năm trời thì đạt mốc, rất khoa học. 

“Chúng ta dự báo được thay đổi trong cơ cấu lao động, số lượng và nhân lực lao động. Còn bây giờ chúng ta để Chính phủ quy định theo lộ trình phù hợp với từng nhóm lao động thì tôi thấy rất phức tạp. Giao Chính phủ quy định thì không biết Chính phủ sẽ quy định như thế nào, sẽ chia ra bao nhiêu nhóm với lộ trình khác nhau mà trong từng nhóm lại nữ riêng, nam riêng mà không biết thời điểm nào kết thúc thì sẽ khó thống kê được nhân lực lao động, về số người nghỉ hưu trong từng năm… phát sinh ra những vấn đề phức tạp trong thống kê”, ông Chiến phân tích.

Tán thành với ý kiến của đại biểu Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc này, Trung ương đã bàn và đã có lộ trình.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho hay, khi đi tiếp xúc cử tri, cử tri cũng băn khoăn, chưa hiểu được hết ngành nghề nào thì nghỉ hưu ở độ tuổi nào. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung danh mục cụ thể để cử tri, nhân dân rõ.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải, trong 2 phương án được trình ra, phương án nào cũng có những điểm hay nhưng phương án 2 là phương án trước nay vẫn bàn, có lộ trình và thời gian đạt được tuổi 62 và 60 nghỉ hưu của nam và nữ rõ ràng, mạch lạc.

Việc này sẽ giúp người lao động có thể xây dựng được kế hoạch, tính toán, lo lắng cho cuộc sống sau nghỉ hưu.

Hà Dung

Nguồn: https://baophapluat.vn

 

Liên hệ với chúng tôi

Đang gửi...
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay
Liên hệ tư vấn