Lo kiệt sức lao động, UBTVQH không tán thành tăng giờ làm thêm
Người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi?
Trình bày báo cáo Một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (UBVCVĐXH) Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình QH mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành).
Quá trình thảo luận, lấy ý kiến có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong đó, loại ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ đồng ý mở rộng thêm khung thời gian làm thêm giờ vì xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống; nhưng đề nghị phải có sự thỏa thuận thực sự giữa người sử dụng lao động và người lao động, tiền lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, khống chế giờ làm thêm tối đa trong tháng để tạo điều kiện tháo gỡ cho nhóm doanh nghiệp, ngành nghề có nhu cầu làm thêm giờ.
Loại ý kiến thứ 2 không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng, mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới.
Kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 36 không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.
Dù vậy, theo phản ánh của Cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình QH tại kỳ họp thứ 7 (theo Tờ trình Chính phủ số 208/TTr-CP ngày 17/5/2019) tiếp tục được trình QH thảo luận, quyết định. Do đó, Thường trực UBVCVĐXH đề xuất 2 phương án báo cáo UBTVQH.
Phương án 1 đề xuất giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
Phương án 2 quy định như dự thảo Chính phủ trình QH tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm.
Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu QH, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình QH dự thảo Nghị định chi tiết.
UBVCVĐXH thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động”, Chủ nhiệm UBVCVĐXH Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho hay, quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.
Đi ngược lại xu thế tiến bộ
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc tăng năng suất lao động phải dựa vào đổi mới công nghệ chứ không phải dựa vào sức người.
Theo đại biểu, nếu QH không cho phép tăng giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ phải suy nghĩ làm sao đổi mới công nghệ, đưa công nghệ hiện đại vào. Ngược lại, nếu cho phép tăng giờ thì doanh nghiệp sẽ hạn chế đổi mới công nghệ, dùng sức người.
“Tăng giờ làm thêm thì người lao động sẽ rất cực khổ. Tôi thiết tha đề nghị là nếu không giảm được thì giữ nguyên như hiện nay chứ không tăng giờ làm thêm, tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe về lâu dài”, Chủ nhiệm Văn phòng QH nói.
Bảo lưu ý kiến không đồng tình đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đã phát biểu tại phiên họp 36, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh không thể tăng giờ làm thêm mà sau 5 năm tới phải suy nghĩ tới việc giảm giờ làm thêm.
Bởi lẽ, theo ĐB, nếu đồng ý tăng sẽ không gây áp lực đổi mới khoa học công nghệ vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Hơn nữa, bà cho rằng, dù đây là nhu cầu xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động, nhưng đứng về lợi ích thì giới sử dụng lao động đạt được sẽ lớn hơn so với người lao động.
“Nếu đưa việc tăng thêm giờ lao động vào Luật thì điều kiện lao động của người lao động sẽ như thế nào? Việc bảo vệ sức khỏe, tái tạo sức lao động của người lao động sẽ ra sao?”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến chỉ ra rằng, trước đây, cán bộ công chức làm việc tuần 48 giờ sau đó xuống 40 giờ.
“Bây giờ công nhân vẫn làm việc tuần 48 tiếng mà còn tăng thì đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới”, ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định đề nghị trình QH cả 2 phương án nhưng nói rõ UBTVQH kiên trì quan điểm theo phương án không tăng giờ làm thêm tối đa.
Mục khác
- Hoàn thiện pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh với người phải thi hành án
- Từ 2020 tất cả trẻ sơ sinh được cấp mã số định danh
- Thủ tướng: Quyết cắt vốn, chuyển vốn với bộ, ngành địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm
- Liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên Việt Nam - Belarus sẽ khánh thành tại Hưng Yên
- Tuổi nghỉ hưu sớm hoặc muộn được tính thế nào từ năm 2021?